Trong phong thủy của một ngôi nhà, cửa chính đóng vai trò rất quan trọng, là không gian giao tiếp đầu tiên, nơi liên hệ giữa hai yếu tố nội, ngoại và cũng là nơi nạp khí cho ngôi nhà.
Bên cạnh đó, cửa còn là một trong những yếu tố giúp định vị hướng nhà – một yếu tố tối quan trọng theo phong thủy cổ truyền.
Những lưu ý về phong thủy khi thiết kế cửa nhà
Trong ngôi nhà luôn có một cửa chính gọi là Đại môn. Các cửa khác chỉ là cửa phụ. Nhà có đón được nhiều sinh khí hay không phụ thuộc vào vị trí, hướng, kích thước cửa chính. Các cửa phòng, cửa hậu có nhiệm vụ điều tiết các nguồn năng lượng trong ngôi nhà. Dưới đây là một số nguyên tắc phong thủy cơ bản khi bố trí Đại môn và hệ thống cửa trong nhà.
Kích thước, tỷ lệ, kiểu dáng phải hợp lý
Hiện nay, khi thiết kế cửa, nhiều người thường dựa vào những số đo đẹp theo thước Lỗ Ban. Điều này là cần thiết, tuy nhiên, cần lưu ý sao cho kích thước cửa phải phù hợp với quy mô, diện tích, kiểu dáng của ngôi nhà. Nguyên tắc chung là nhà nhỏ thì không nên làm cửa quá lớn và ngược lại. Đó là sự bất cân xứng, không hài hòa. Đồng thời, cửa cũng chính là bộ mặt của ngôi nhà, do đó cửa không nên dùng cửa đã quá cũ, sơn bị bong tróc và xấu xí, ảnh hưởng tới bộ mặt chung của ngôi nhà.
Không nên thiết kế các cửa thẳng hàng
Tình trạng 2 hoặc 3 cửa thẳng hàng nhau trong phong thủy gọi là “cửa đối môn”. Theo bộ môn vật lý kiến trúc nghiên cứu về sự vận động của gió trong nhà, nếu các cửa thẳng hàng nhau sẽ tạo ra các luồng gió xuyên phòng và khiến cho căn phòng kém thông thoáng, vi khuẩn yếm khí phát sinh. Còn theo phong thủy, nếu đặt cửa trước và cửa hậu đối diện trực tiếp với nhau thì khí đi vào nhà sẽ lập tức thoát ra mà không có sự luân chuyển, tạo nên mất cân bằng âm dương (vì vùng di chuyển dương nằm về một phía trong khi phần còn lại thuần âm). Trong trường hợp các cửa bị thẳng hàng, có thể khắc phục bằng cách để một chậu cây cao hay thiết kế tấm chắn giữa hai cửa để ngăn không cho khí đi theo đường thẳng thoát ra ngay khi vừa vào nhà.
“Tam bất kiến” trong phong thủy
Tam bất kiến là thuật ngữ chỉ ba điều đại kỵ trong phong thủy khi mở cửa bước vào nhà, gồm:
Khai môn kiến táo: Sách Dương trạch tam yếu có viết: “khai môn kiến táo, tiền tài đa hao”, tức là khi mở cửa mà nhìn ngay thấy bếp thì sẽ không có lợi về mặt tiền bạc.
Khai môn kiến xí: Vừa mở cửa ra đã nhìn thấy ngay nhà vệ sinh thì luồng năng lượng tốt dẫn vào nhà sẽ bị ô nhiễm, dòng năng lượng này là sự khởi đầu để dẫn vào nhà, đầu nguồn không tốt, thì các không gian khác sẽ không cát lành.
Khai môn kiến kính: Đặt gương trước cửa (chỉ là gương soi, không phải là các loại gương cầu và gương bát quái) là một việc làm không hợp lý theo phong thủy, vì nó có thể phản xạ các luồng năng lượng, khiến các dòng năng lượng khó khăn để đi vào nhà.
Không nên thiết kế nhiều cửa thẳng hàng
Hướng cửa xấu có nên ở hay không?
Nhiều người có nhu cầu mua đất làm nhà hay mua nhà xây sẵn, thường chỉ muốn biết hướng của miếng đất hay căn nhà ấy có hợp với tuổi của mình hay không, mà lại bỏ qua những yếu tố khác. Với phong thủy học chân chính, đây là một quan niệm khá cứng nhắc.
Hướng nhà chỉ là một trong rất nhiều yếu tố cần được quan tâm, xem xét. Bởi lẽ, hướng nhà có tốt, nhưng cấu trúc bên trong không tốt, ngoại cảnh hay thời vận không tốt thì căn nhà đó cũng không phải đã chuẩn theo phong thủy học. Đối với căn nhà hướng nhà xấu, thuật phong thủy luôn có những phương án để hóa giải. Xấu một thứ, ta dùng các thứ khác để hóa giải. Phong thủy gọi là “đa cát chế thiểu hung”! Rõ ràng, trong quá trình chọn lựa nơi định cư, không nên vì lý do “không hợp hướng” để kén chọn quá đà mà bỏ lỡ những cơ hội để có một nơi an cư lạc nghiệp.
Cửa trong nhà không đơn thuần chỉ là lối ra vào, mà được coi là nơi nạp và điều tiết các nguồn năng lượng trong nhà, nên cần phải quan tâm hàng đầu để có được sự hài hòa giữa ba yếu tố công năng, thẩm mỹ và phong thủy.